SERIES TRUYỀN THUYẾT BỆNH CẢM Ở TRẺ

Victoria Healthcare cam kết chăm sóc bệnh nhân dựa trên bằng chứng y khoa đáng tin cậy nhất, không lạm dụng thuốc và xét nghiệm.
TẮM LÂU, TẮM NƯỚC LẠNH LÀM TRẺ BỊ CẢM
Đây là “truyền thuyết” thường gặp ở các bậc ông bà. Họ cho rằng, tắm lâu hay tắm nước lạnh sẽ khiến nước ngấm ngược vào cơ thể khiến trẻ bị cảm.
Tôi có thể khẳng định chắc chắn nước không thể “ngấm” vào bên trong cơ thể. Nước chỉ có thể ngấm vào lớp biểu bì trên bề mặt da, khiến cho tế bào da được ngâm nước trở nên mềm, tạo thành hiện tượng da bị “nhăn nheo” khi tắm lâu. Còn lại, nước không thể nào ngấm sâu hơn vào được nữa bởi nếu không, con người sẽ bị rất nhiều nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn tụ vàng. Vi khuẩn tụ vàng này nằm ngoài da không làm trẻ bị bệnh, nhưng nếu nó xâm nhập vào được bên trong cơ thể sẽ gây nhiễm bệnh. Nhưng thực tế điều này là hầu như không xảy ra, bởi hàng rào da là liền lạc ngăn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Trẻ chỉ bị cảm do lây siêu vi và vi khuẩn qua cửa ngõ cơ thể là: mắt, mũi, miệng. Do đó, việc tắm nước lạnh không thể khiến trẻ bị cảm lạnh được, trừ phi người tắm cho trẻ bị nhiễm siêu vi vào tay, sau đó lau lên mặt trẻ và lây siêu vi vào đường hô hấp của trẻ. Vì thế, tắm nước lạnh và trẻ bị cảm không hề có mối liên hệ về mặt “nhân quả”, mà có thể là sự trùng hợp xảy ra bệnh như trường hợp tôi đã nêu. Hiện tượng trẻ tắm nước lạnh, sau đó, bị rùng mình hay hắt xì hơi là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi bị lạnh, phản xạ này sẽ hết khi cơ thể được cân bằng trở lại, nó cũng không phải là biểu hiện của triệu chứng cảm.
THAY ĐỔI THỜI TIẾT KHIẾN TRẺ BỊ BỆNH
VHC. Thay doi thoi tiet lam tre bi benh
Tôi phải thừa nhận rằng, đây là hiểu lầm nhiều nhất hiện nay. Nhất là mỗi khi thời tiết giao mùa, chúng ta lại thấy trên tivi, báo đài lại có những bài viết về việc cảnh báo: do trời nóng/lạnh nên trẻ dễ bị mắc bệnh và khiến nhiều trẻ bị bệnh hơn. Thực tế là mỗi mùa đều thích hợp cho một số loài siêu vi nào đó phát triển mạnh mẽ hơn (và khiến một số siêu vi khác chết nhanh hơn). Do đó, nhiệt độ không khí (hay thay đổi thời tiết) là yếu tố thuận lợi cho một số siêu vi tồn tại lâu hơn, chứ không phải là nguyên nhân gây ra bệnh cho trẻ.
Ví dụ: siêu vi cúm quanh năm đều có, nhưng tầm cuối năm (mùa lạnh ở vùng Bắc bán cầu) thì chúng phát triển mạnh hơn, nên gọi là mùa cúm. Nghĩa là nếu mùa hè, siêu vi cúm sẽ chết sau khi rời khỏi ký chủ trong khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng vào mùa lạnh, nhiệt độ giảm xuống chừng 20°C, siêu vi cúm sẽ tồn tại trong khoảng thời gian lâu hơn. Điều này khiến nguy cơ lây bệnh của siêu vi cúm trong nhiệt độ thấp cao hơn trong nhiệt độ cao, chứ không phải do nhiệt độ gây bệnh cho trẻ.
Nên bố mẹ vẫn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch tay mình và tay trẻ với xà phòng 20 giây sau khi chơi xong, hay tiêu tiểu vệ sinh, chạm vào những vị trí nhiều người chạm đến ở nơi công cộng trước khi ăn hay trước khi đưa tay lên mặt thì sẽ phòng được nguy cơ bị lây nhiễm bệnh trong tiết trời giao mùa.
UỐNG NƯỚC LẠNH GÂY VIÊM HỌNG
VHC. Uong nuoc lanh bi dau hong
Đây cũng là một “truyền thuyết” khá thông dụng hiện nay. Tôi nghĩ cũng nên “giải oan” cho những niềm vui nho nhỏ của các bạn bé đó là được uống thứ nước mát lạnh vào mùa hè nắng nóng.
Trong cuộc đời làm nghề của tôi, cứ mỗi lần tư vấn về một trường hợp bị cảm ho hay viêm họng hay đau họng mà tôi khuyên các cha mẹ bệnh nhi cho bé uống nước lạnh (hay ăn kem) là gần như hơn 99% sẽ tròn xoe mắt nghi ngờ rằng chắc tôi đang nói đùa. Và cha mẹ bệnh nhi chắc chắn sẽ hỏi lại rằng: “bác sĩ có nói thiệt không? Uống nước lạnh bị viêm họng sao bác sĩ” Khi đó, tôi phải nói thêm một câu: “Tôi nói hoàn toàn thật tình và không có một ý nghĩ đùa nào trong lời khuyên này hết.”
Thế nhưng, có một điều lạ (hay không lạ ta?) là khi tôi nói câu này với một bà mẹ hay ông bố Việt Nam nào từng ở nước ngoài về thì hầu như họ hiểu ngay tức khắc (họ tự suy luận được ngay). Điều đó chứng tỏ rằng, khi bạn đã quá quen nghe một điều nào đó rồi thì mặc nhiên bạn đã có thể xem điều đó là đúng mà gần như hiếm bao giờ bạn thắc mắc “tại sao?” hay “như thế nào ?”. Mà suy cho cùng, những điều do chính các bác sĩ nói là phải đúng rồi, thắc mắc tại sao nhiều khi còn bị “bẻ” lại: “Ở đây, tôi là bác sĩ hay chị là bác sĩ ?”
Thực ra, bất cứ ai đã từng học y khoa đều biết rằng, hiện tượng viêm bao gồm những triệu chứng “sưng, nóng, đỏ và đau”. Còn nếu ai chưa học y khoa thì cứ nhìn cái nhọt trên người sẽ biết ngay hiện tượng viêm là như thế nào. Cái nhọt đó bị sưng lên, sờ thấy nóng hơn da xung quanh, nhìn đỏ hơn và chắc chắn là đau rồi. Những biểu hiện đó là do máu đổ dồn đến chỗ viêm ( mạch máu đến đó nở ta ra để đưa máu đến), làm cho “sưng lên, nóng lên, đỏ lên và đau”.
Để làm giảm những triệu chứng đó, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc kháng viêm để làm giảm sưng và giảm đau. Vậy có bao giờ bạn thử nhúng bàn tay mình vào nước lạnh một lúc rồi lấy ra xem nó ra sao không ? Khi đó bạn sẽ thấy bàn tay mình…trắng bệch, sờ vào thì gần như không còn cảm giác nữa, vì nó…tê tê rồi. Bàn tay nhúng vào nước lạnh sẽ làm cho mạch máu nuôi bàn tay co lại, giảm bớt lượng máu đến đó và làm cho nó trắng bệch như vậy. Vậy thì bạn đến đây bạn có thể suy luận tiếp: nếu đắp nước lạnh (hay túi nước đá) lên chỗ bị viêm (bị sưng lên hay đỏ lên do máu dồn đến nhiều) thì sẽ làm mạch máu nuôi nơi đó bị co lại, có nghĩa là sẽ làm bớt máu dồn đến đó, có nghĩa là làm cho chỗ đó bớt sưng, bớt đỏ, bớt nóng và bớt đau (do bị tê), có nghĩa là… bớt viêm.
Nếu bạn cảm thấy hơi “chóng mặt” vì những điều tôi trình bày, để tôi ví dụ thực tế. Bạn đã từng xem đá bánh chưa ? Bạn có để ý khi cầu thủ bị chấn thương sưng chân thì người chăm sóc đắp cái gì lên đó không? Họ đắp lên một túi đá lạnh để giảm đau và giảm sưng. Vậy thì khi bị viêm họng (họng bị sưng, đỏ, đau và có thể loét) thì mình sẽ “đắp” cái gì lên ? Chắc là phải đắp nước (đá) lạnh lên rồi, tức là uống nước lạnh. Ăn kem càng tốt nữa, vì mấy bé khoái món này. Hoặc là khi bé bị ho, cho bé uống nước lạnh sẽ làm cho cổ họng bớt đau rát, làm tê cổ họng hay nói cách khác là làm giảm cảm giác kích thích ở cổ họng, tức là sẽ làm bớt ho (dù chỉ là tạm thời).
Tôi đố rằng đến đây nhiều bạn sẽ thắc mắc: “Nhưng rõ ràng cứ mỗi lần uống nước lạnh là bị viêm họng thì phải giải thích sao?” Chúng ta lại quay về với nguyên nhân khiến cho bạn bị viêm họng. Viêm họng hay ho cảm là do bị lây siêu vi từ người sang người, lây qua ho, hắt hơi, hay qua bàn tay,… Viêm họng không do uống nước lạnh, trừ phi trong nước lạnh đó có chứa siêu vi gây viêm họng. Nhiều khi bạn uống nước ở ngoài quán, chiếc ly chưa chắc đã sạch sẽ. Nếu trước đó vô tình (hay xui rủi nhỉ?) có ai đó bị cảm lại uống đúng cái ly đó, thì nguy cơ bạn uống sau sẽ bị lây bệnh. Tương tự, viêm họng không phải do nằm máy lạnh hay gió lùa, viêm phổi không phải do tắm nước lạnh hay mồ hôi thấm ngược vào người như nhiều bạn đang tưởng.
Nếu biết được những bệnh như viêm họng, cảm siêu vi, tay chân miệng, v.v gây ra do bàn tay bị nhiễm phải những siêu vi đó, thì biện pháp phòng ngừa tốt nhất phải là rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hay nước sát khuẩn nhanh. Thú thật với các bạn, tôi rửa tay bằng nước sát khuẩn và xà phòng ít nhất 100 lần mỗi ngày: trước và sau khi tôi đụng bệnh nhân, sau khi tôi đụng bàn phím, đụng vào những nơi mà…tay người khác đụng vào (nắm cửa, bấm vân tay, nút bấm thang máy, sau khi đi vệ sinh…) Vậy để ngăn ngừa bị nhiễm bệnh, cách hiệu quả nhất là bạn nên rửa tay thường xuyên với xà phòng có tính chất sát khuẩn. trời giao mùa.

Nguồn tham khảo: Victoria Healthcare

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục dịch vụ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây