SERIES TRUYỀN THUYẾT BỆNH CẢM Ở TRẺ (P.3)

Victoria Healthcare cam kết chăm sóc bệnh nhân dựa trên bằng chứng y khoa đáng tin cậy nhất, không lạm dụng thuốc và xét nghiệm.
Truyền thuyết số 6: VIÊM MŨI KHÔNG ĐIỀU TRỊ KHÁNG SINH GÂY RA VIÊM XOANG
--
Đây là một trong những lý do thường được nhiều bác sĩ sử dụng để kê đơn kháng sinh cho trẻ. Thông tin này khiến nhiều mẹ hiểu nhầm và lo lắng rằng cứ con viêm mũi là sẽ bị viêm xoang nếu không được chữa trị. Thực tế là bản thân viêm mũi đã có viêm xoang bởi mũi với xoang thông với nhau nên siêu vi thâm nhập vào xoang dễ dàng. Vì thế, nếu trẻ bị cảm, bị chảy mũi, nghĩa là cũng đã bị viêm xoang rồi. Nhưng quay lại vấn đề tôi đã nói ở mục trên, trẻ bị viêm gì không quan trọng, mà tác nhân gây ra bệnh mới là quan trọng để chữa đúng bệnh.
Muốn xác định được tác nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào yếu tối thời gian, tức là theo dõi tiến trình bệnh. Thông thường, một đợt sổ mũi do siêu vi sẽ kéo dài 2 tuần. Do đó, những trẻ sổ mũi kéo dài trên 2 tuần liên tục sẽ được coi là bị nhiễm vi khuẩn. Nhờ vào yếu tố này, cha mẹ có thể theo dõi diễn tiến bệnh của trẻ để xác định trẻ ở trong trường hợp nào dưới đây và có cách xử lý phù hợp:
1. Nếu trẻ chảy mũi trong 10 ngày đến 2 tuần tự hết, thì trẻ bị nhiễm siêu vi.
2. Trẻ đang chảy mũi nhiều, đến ngày thứ 10, trẻ chảy mũi ít lại (nghĩa là trẻ có bớt). Sau đó trẻ đi học bị chảy mũi lại. Đậy được xem là một đợt nhiễm bệnh mới chứ không phải là một đợt nhiễm bệnh kéo dài, không phải là nhiễm vi khuẩn. Do đó, cha mẹ cần phải theo dõi rất kỹ bệnh của trẻ để trả lời cho bác sĩ.
3. Nếu trẻ sổ mũi nhiều và đi kèm một số triệu chứng khác như: sốt cao, đừ, đâu vùng xoang, chảy mũi kéo dài trên 2-4 tuần lễ LIÊN TỤC KHÔNG NGỚT CHÚT nào, khi đó có thể trẻ bị viêm mũi xoang do vi khuẩn. Lúc này, bác sĩ có thể cho trẻ uống kháng sinh.
4. Vì có gần 200 loại siêu vi gây ra cảm (dẫn đến triệu chứng sổ mũi), nên trẻ đi học sẽ dễ bị sổ mũi hết lần này đến lần khác. Vì thế, có một số trẻ do tiếp xúc liên tục với nguồn siêu vi nên không có lúc nào đỡ, khiến cho sổ mũi kéo dài liên tục trên 2 tuần lễ. Nếu bác sĩ nghi ngờ là do vi khuẩn vẫn có thể cho thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu triệu chứng sỗ mũi kéo dài (trên 2 tuần) của trẻ là do nhiều đợt nhiễm siêu vi nối tiếp nhau thì uống kháng sinh cũng không có tác dụng. Do đó, đối với những trẻ này, bác sĩ cần phải hỏi bệnh rất kỹ mới có thể phân biệt nguyên nhân gây bệnh.
Vì giai đoạn đầu không thể phân biệt được yếu tố gây bệnh, nên bác sĩ cần chờ 2-3 tuần sau khi trẻ tái khám mà triệu chứng không cải thiện, lúc này bác sĩ mới cho kháng sinh. Điều đó không có nghĩa là trẻ bị sổ mũi không dùng kháng sinh nên biến thành viêm xoang.
vhc. cam khong dieu tri khang sinh lam viem phoi
Truyền thuyết số 7: Cảm không điều trị kháng sinh gây ra viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản…
Đây là một trong những “truyền thuyết” khiến cha mẹ lo lắng nhất mỗi khi trẻ bị cảm. Và thực tế cũng giống như hiểu nhầm về viêm mũi gây ra viêm xoang, vấn đề này cũng đã được các nhà khoa học làm nghiên cứu thống kê. Kết quả cho thấy rằng, những trẻ bị cảm mà có biến chứng viêm phổi, lúc đó mới điều trị kháng sinh. Còn nếu trẻ bị cảm mà không có biến chứng viêm phổi, thì không cần điều trị kháng sinh.
Ví dụ: lúc trẻ bị cảm đến khám, bác sĩ nghe phổi thấy trẻ thở bình thường. Bác sĩ có thể chưa cần cho trẻ dùng kháng sinh. Nhưng sau đó có thể trẻ sẽ bị xảy ra biến chứng viêm phổi (có thể là vài tiếng đến vài ngày), trẻ bị thở ngộp, tổng trạng (biểu hiện tổng thể tình trạng của trẻ) bị đừ, thì lúc này trẻ cần được tái khám và bác sĩ có thể thể kê đơn kháng sinh.
Tuy nhiên, nếu trẻ bị viêm phổi mà do siêu vi thì uống kháng sinh cũng không chữa được. Trong khi đó, theo thống kê, có đến 80% trẻ viêm phổi là do siêu vi, chỉ có 20% viêm phổi là do vi khuẩn. Do đó, lại quay về vấn đề cần xác định tác nhân gây viêm và theo dõi diễn tiến bệnh của trẻ. Thông thường trẻ bị viêm phổi do siêu vi triệu chứng sẽ nhẹ hơn so với do vi khuẩn:
• Trẻ có thể thở nhanh nhưng không sốt cao, tổng trạng không bị đừ như viêm phổi do vi khuẩn.
• Bác sĩ có thể làm thêm một số xét nghiệm để xem xét chỉ số bạch cầu, chụp phim phổi. Thường viêm phổi do siêu vi thì chỉ số bạch cầu sẽ không tăng (tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ).
Do đó, nếu chỉ số bạch cầu của trẻ không tăng, tổng trạng tốt, thể trạng bình thường, dù bác sĩ nghe phổi thì thấy có viêm phổi thì vẫn không cần dùng kháng sinh. Tình trạng viêm phổi do siêu vi thường hồi phục sau khoảng 3 tuần. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quá lo lắng không muốn chờ, trẻ bị cảm gây biến chứng viêm phổi thì có thể cho trẻ uống kháng sinh luôn (xem như điều trị “mù”).
Trong thực tế, tôi đã từng khám và chữa trị cho những trường hợp bé bị viêm phổi do siêu vi. Sau khi tôi tư vấn, thỏa thuận với cha mẹ bé, dặn dò theo dõi bệnh thật kỹ, có bất cứ biến chứng gì phải tái khám ngay. Cha mẹ bé lựa chọn chờ đợi theo dõi bệnh cho bé mà chưa dùng kháng sinh ngay và đúng là sau 3 tuần thì trẻ tự khỏi.
Và tương tự như thế với các “truyền thuyết” cảm không điều trị kháng sinh gây ra viêm họng, viêm phế quản,…cũng thế! Tôi xin nhấn mạnh thêm một lần nữa, không phải vì cảm không điều trị kháng sinh gây ra các biến chứng. Điều quan trọng nhất là xác định tác nhân gây bệnh để từ đó có thể đưa ra cách thức chăm sóc và điều trị tốt nhất cho trẻ bởi dựa trên thống kê thì nguy cơ trẻ phải uống kháng sinh dù không cần thiết là rất cao.
vhc. vitamin c ko gíup ich cho viec cai thien tinh trang benh cam
Truyền thuyết số 8: UỐNG VITAMIN C GIÚP TĂNG ĐỀ KHÁNG, MAU HẾT CẢM
Thông tin này cũng là một trong những hiểu nhầm phổ biến nhất hiện nay. Có rất nhiều báo về sức khỏe đưa ra lời khuyên từ các bác sĩ rằng, khi trẻ bị cảm nên cho trẻ ăn và uống những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C để giúp trẻ bớt bệnh nhanh. Lời khuyên này được lưu truyền là do trước đây, từng có một nghiên cứu đưa ra kết quả dùng vitamin C liều cao có thể giúp làm giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian bị cảm. Tuy nhiên, về sau, nghiên cứu đó được các nhà khoa học xem xét lại và họ nhận thấy nghiên cứu này sai về quy cách thực hiện nên kết quả nghiên cứu không được công nhận nữa.
Sau này, các nhà khoa học cũng đã thực hiện các nghiên cứu khác có liên quan đến vitamin C và cải thiện phương pháp nghiên cứu để kết quả đưa ra được chính xác hơn. Vào năm 2013, một nghiên cứu đã được thực hiện trên 11.300 đối tượng về việc sử dụng vitamin C ngay từ khi bắt đầu và diễn ra suốt tiến trình bệnh. Tổng hợp kết quả của những nghiên cứu cho thấy: vitamin C không giúp ích trong việc giảm thời gian bị cảm, cũng không giúp làm giảm tỷ lệ bị mắc bệnh cảm. Nó chỉ có tác dụng nhất định lên một nhóm người nhỏ ở vùng phía Bắc Cực và những người chơi môn trượt tuyết. Tuy nhiên, uống vitamin C liều cao có thể khiến trẻ bị tiêu chảy.
Dr. Nguyễn Trí Đoàn – Trích “Để con được ốm”

Nguồn tham khảo: Victoria Healthcare

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục dịch vụ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây