Victoria Healthcare cam kết chăm sóc bệnh nhân dựa trên bằng chứng y khoa đáng tin cậy nhất, không lạm dụng thuốc và xét nghiệm.
Phần 4: KHÔNG DÙNG THUỐC TRỊ HO-SỔ MŨI CHO TRẺ DƯỚI 2 TUỔI
Tôi phải nhắc nhở cha mẹ điều này là vì đã có một số nghiên cứu so sánh nhóm sử dụng thuốc giảm ho với nhóm sử dụng giả dược (placebo), theo đó, kết quả là thời gian bị ho cảm của hai nhóm là như nhau. Tuy nhiên, nhóm sử dụng THUỐC GIẢM HO có biểu hiện SUY HÔ HẤP nhiều hơn nhóm dùng giả dược. Chưa kể còn có một số tác dụng hiếm gặp đối với những trẻ có khả năng bị ngộ độc nguy hiểm tính mạng. Điều này là do trong thành phần của thuốc giảm ho có một hoạt chất thuộc nhóm thuốc như á phiến (chất dextromethorphan). Dù rằng chất này được cho là không gây ra biến chứng như á phiện hay ngộ độc á phiện, tuy nhiên, trong một số ít trường hợp dextromethorphan vẫn có thể gây ra ngộ độc giống á phiện và gây tử vong cho trẻ. Vào năm 2004 khi tôi còn làm việc tại khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 2, có một bé nhập viện cấp cứu vì bị ngưng tim ngưng thở. Bé đó được chẩn đoán bị ngộ độc chất thuộc nhóm á phiện, với những triệu chứng đặc trưng như ngưng thở, hôn mê và đồng tử co nhỏ như đinh ghim. Ngay sau khi chúng tôi tiêm thuốc giải độc á phiện (naloxone) thì bé đó tỉnh lại ngay tức khắc (trong vòng một vài giây) và tự thở được. Chúng tôi yêu cầu người nhà đem những thuốc bé đã uống vào thì phát hiện ra bé đã uống thuốc ho dimetapp có chứa chất dextromethorphan này. Chất dextromethorphan này có trong khá nhiều loại thuốc giảm ho được bán “thoải mái” tại Việt Nam.
Do đó, vào năm 2006, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành một lệnh cấm là không cho trẻ dưới 2 tuổi uống thuốc trị ho và trị nghẹt mũi bởi có một số báo cáo cho thấy, có khoảng ba trẻ bị tử vong do uống thuốc trị nghẹt mũi. Đồng thời, báo cáo không thấy có lợi ích từ việc cho trẻ uống thuốc ho, ngược lại một vài trường có hại từ một số chất trong thuốc giảm ho. Đến năm 2008, FDA ban hành luật mới để nâng số tuổi không được sử dụng thuốc trị ho và nghẹt mũi lên 4 tuổi. Trên 4 tuổi cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ.
Các loại thuốc bị cấm sử dụng để giảm ho hay sổ mũi cho trẻ nhỏ bao gồm các thuốc thông mũi như ephedrine, pseudoephedrine, hoặc phenylephrine, và các thuốc kháng histamine diphenhydramine, brompheniramine, hoặc chlorpheniramine. Chlorpheniramine là thuốc kháng histamine (anti-histamine), dùng để giảm triệu chứng dị ứng (sổ mũi do dị ứng hay viêm mũi dị ứng, nổi mẩn ngứa hay mề đay do dị ứng). Các thuốc kháng histamine không có tác dụng trong trường hợp làm giảm ho hay sổ mũi do cảm siêu vi.
Trong trường hợp bị ho, sổ mũi do cảm siêu vi, nếu sử dụng thuốc kháng histamine này thì sẽ tăng nguy cơ bị SUY HÔ HẤP hay VIÊM PHỔI, bởi thay vì phải làm loãng đờm ra để trẻ ho tống ra được thì thuốc (có tác dụng phụ) làm đặc đờm lại và tắc đờm trong phổi khiến trẻ không thể tống đờm ra. Thuốc chlorpheniramine này không sử dụng ở trẻ DƯỚI 2 tuổi bởi có thể làm trẻ nhỏ bứt rứt một cách nghịch lý (paradoxical irritability).
Phần 5: CÁCH THỨC ĐỂ GIẢM CƠN HO
Ở những phần trước, phụ huynh đã được chia sẻ và giải thích những thông tin về triệu chứng ho ở trẻ. Ho – là phản xạ BẢO VỆ cơ thể, giúp tống xuất đờm hay siêu vi ra khỏi đường thở (phế quản) trong phổi và giúp phòng ngừa viêm phổi.
Tuy vậy, tâm lý cha mẹ vẫn bị bứt rứt khi thấy trẻ ho. Vì thế, cha mẹ có thể áp dụng những cách thức sau đây để giúp giảm cơn ho (tạm thời) cho trẻ:
• Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên thì có thể dùng mật ong để giảm các triệu chứng ho. Khuyến cáo này dựa trên nghiên cứu đối chứng giữa ba nhóm trẻ từ 2 tuổi trở lên ho đêm rất nhiều: một nhóm sử dụng mật ong, một nhóm sử dụng giả dược và một nhóm sử dụng thuốc ho có dextromethorphan. Và có kết quả cho thấy, nhóm uống mật ong co giảm ho so với hai nhóm kia và hai nhóm kia ho như nhau. Và trong nghiên cứu này, người ta không thấy có biến chứng bị viêm phổi nếu dùng mật ong để giảm ho.
• Đối với trẻ nhỏ tuổi hơn, nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước để giảm cơn ho.
-
Dr. Nguyễn Trí Đoàn – Trích “Để con được ốm”
Xem lại phần 1 : Series chuyện ho- cảm- sổ mũi
Phần 3: Series chuyện ho - cảm - sổ mũi
Nguồn tham khảo: Victoria Healthcare
Ý kiến bạn đọc