SERIES CHUYỆN HO - CẢM - SỔ MŨI (P.1)

Victoria Healthcare cam kết chăm sóc bệnh nhân dựa trên bằng chứng y khoa đáng tin cậy nhất, không lạm dụng thuốc và xét nghiệm.
Phần 1 - CẢM KHÔNG PHẢI DO BỊ LẠNH
Có nhiều người nghĩ rằng, các bệnh cảm-ho-sổ mũi là do bị lạnh vì từ gốc tiếng Anh là “COLD” – nghĩa là cảm lạnh. Nhưng đó là hồi xưa, chưa có khoa học hiện đại người ta nghĩ vậy. Còn hiện nay, khoa học đã chứng minh được, cảm không phải là do không khí lạnh, gió lạnh hay ngấm mưa, ngấm nước lạnh, mà chỉ có một nguyên nhân duy nhất là do siêu vi, vi khuẩn lây vào đường hô hấp qua (cửa ngõ) mắt, mũi, miệng. Tuy nhiên, người ta vẫn dùng từ gốc “cold” để gọi bệnh cảm, nên dễ gây ra hiểu nhầm.
Ở một góc độ khác, “cảm” là từ thông dụng trong cuộc sống mọi người thường dùng để hiểu. Còn về mặt chuyên môn, bác sĩ phải sử dụng khái niệm “viêm” để xác định triệu chứng bệnh của trẻ như: bị cảm gây ra sổ mũi thì gọi là viêm mũi, gây đau họng thì gọi là viêm họng, vừa sổ mũi vừa đau họng thì gọi là viêm hô hấp trên, ảnh hưởng đến thanh quản thì gọi là viêm thanh quản, ảnh hưởng đến khí quản thì gọi là viêm khí quản,…và nguyên nhân đa số là do siêu vi.
Cảm-ho-sổ mũi là bệnh rất phổ biến ở trẻ, nhất là ở trẻ độ tuổi đi học mầm non. Thống kê cho thấy, mỗi năm trẻ sẽ bị cảm từ 10-12 lần, nghĩa là trung bình mỗi tháng một lần. Nhưng tùy theo từng trẻ mà tỷ lệ mắc bệnh trung bình từ 2 tháng/lần đến 2 lần/tháng. Trẻ mắc bệnh nhiều lần vì có đến gần 200 loại siêu vi gây ra bệnh cảm, trẻ bị lây hết loại siêu vi này đến loại siêu vi khác nên bị cảm hoài. Khi trẻ bị cảm sẽ có thể có rất nhiều triệu chứng và biểu hiện bệnh khác nhau, nhưng hầu như trẻ đều bị sổ mũi, ho khan hoặc ho có đờm, khàn tiếng, đỏ mắt và có thể sốt.
Trong thực tế, đối với trẻ đi học mầm non, nguyên nhân lây bệnh nhiều nhất là do trẻ hắt hơi, ho mà không biết che miệng, nước bọt văng ra dính vào những nơi trẻ hay dùng tay để tiếp xúc như đồ chơi, nắm cửa, hoặc trẻ vô tư đưa tay lên quẹt mũi mà không được rửa, tay bị dính siêu vi. Sau đó, trẻ lại đưa tay lên miệng, dụi mắt hay ngoáy mũi thì sẽ vô tình đưa siêu vi vào người và bị nhiễm bệnh.
VHC. Cam hay cum
Phần 2 - BỆNH CÚM
Thông thường, mọi người cũng thường bị nhầm lẫn giữa cảm và cúm.
Cúm là do nhiễm siêu vi cúm, triệu chứng cũng có ho, sổ mũi giống cảm nhưng không nhiều, đồng thời cúm còn có các triệu chứng toàn thân như: mệt mỏi, đau nhức mình mẩy, nhức đầu.
Nhiễm cúm A có biểu hiện bệnh nặng nhất, mất vài ngày cơ thể mới đỡ và mất khoảng một tuần sau cơ thể mới có thể cân bằng trở lại. Trong khi nhiễm cúm B và cúm C thì biểu hiện triệu chứng rất nhẹ, giống như bị cảm do siêu vi khác.
VHC. Ho va so mui tot cho tre
Phần 3: HO VÀ SỔ MŨI TỐT CHO CƠ THỂ CỦA TRẺ
Một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ bị cảm là ho. Ho là phản xạ BẢO VỆ cơ thể, giúp tống xuất đờm hay siêu vi ra khỏi đường thở (phế quản) trong phổi và giúp phòng ngừa viêm phổi, chứ không phải ho nhiều làm cho trẻ bị viêm phổi như một số “lý luận ngược”. Do đó, ho là một triệu chứng tốt cho cơ thể. Nếu phản xạ này bị cắt đi, trẻ sẽ có nguy cơ bị suy hô hấp và viêm phổi. Tương tự vậy, triệu chứng sổ mũi hay hắt hơi (và có thể đỏ mắt hay ghèn mắt) là những phản ứng giúp cơ thể loại bỏ siêu vi xâm nhập vào đường hô hấp và giúp mau lành bệnh.
Trong một đợt cảm siêu vi, sổ mũi, nghẹt mũi hay chảy nước mắt (đỏ mắt) thường kéo dài khoảng 10 ngày đến 2 tuần. Giai đoạn đầu của một đợt cảm, trẻ sẽ ho khan, ho in ít. Sau khoảng 4-5 ngày, hệ thống niêm mạc trong đường thở, trong cổ họng, phế quản… sẽ tiết ra những chất nhầy đờm để tiêu diệt siêu vi và cường độ ho sẽ tăng rất nhiều. Thông thường, vào ngày thứ 5-6, trẻ ho rất dữ dội, đây cũng là lúc trẻ sắp hết ho. Cơn ho do cảm siêu vi thường kéo dài 2 tuần, thậm chí có trường hợp kéo dài 3 tuần.
Tuy nhiên, trẻ ho đến ngày thứ 5-6 là cha mẹ đã tìm cách để cắt cơn ho của trẻ, sử dụng các bài thuốc trị ho dân gian hay siro trị ho. Nhưng như đã nói trên, nếu trẻ được cho uống thuốc giảm ho mà có tác dụng thì trẻ có nguy cơ bị viêm phổi bởi phản xạ để bảo vệ phổi là ho đã bị cắt đi. May mắn rằng, đa số những thuốc trị ho hiện nay trên thị trường đều không có tác dụng. Dẫu thế, cha mẹ cũng không nên dùng thuốc trị ho cho trẻ vì những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe của trẻ.
Xem tiếp Series Chuyện ho - cảm - sổ mũi (Phần 2)
Series chuyện ho - cảm - sổ mũi (Phần 3)

Nguồn tham khảo: Victoria Healthcare

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục dịch vụ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây