NHIỆT ĐỘ PHÒNG VÀ CÂU CHUYỆN VỀ CÁI MÁY LẠNH

Victoria Healthcare cam kết chăm sóc bệnh nhân dựa trên bằng chứng y khoa đáng tin cậy nhất, không lạm dụng thuốc và xét nghiệm.

Tôi hay nói vui với các đồng nghiệp thân thiết hay các phụ huynh của bệnh nhi của mình rằng, hầu như 99% phụ huynh đem con đến khám với tôi lần đầu tiên đều than phiền về chuyện bé khó ngủ, trằn trọc và hay đổ mồ hôi. Vài lần tôi có dịp hỏi một số bà giúp việc (khoảng 40-50 tuổi) đi theo phụ huynh bé, thì câu trả lời sẽ là “vì nó nóng quá bác sĩ ơi!”

Phần 1:
NGƯỜI LỚN THẤY LẠNH, TRẺ MỚI THẤY MÁT

Có nhiều người cho rằng, trẻ ở trong bụng mẹ đã quen với nhiệt độ cơ thể mẹ (~ 37°C), nên khi ra đời, nếu không quấn kỹ và ủ ấm thì trẻ sẽ bị lạnh. Nhưng điều này hoàn toàn không chính xác. Khi còn là thai nhi, trẻ chưa cảm nhân được nhiệt độ. Cho đến khi ra đời, não trẻ mới học cách để dần cảm nhận được nhiệt độ của môi trường bên ngoài. Giai đoạn này, trẻ bắt đầu ăn uống (bú sữa mẹ hoặc sữa công thức) và chuyển hóa để lớn lên vì thế, trẻ tỏa nhiệt nhiều. Trẻ nóng hơn so với người lớn, dễ bị đổ mồ hôi dẫn đến nổi rôm sảy. Do đó, để trẻ cảm thấy đủ mát, nhiệt độ phòng phải lạnh hơn cảm nhận của người lớn. Với người lớn, khoảng 23-24°C là cảm thấy lạnh, nhưng với trẻ, tầm 20°C trẻ cũng chưa thấy lạnh.

Để chứng điều này, các nghiên cứu đối chứng đã được thực hiện. Kết quả là, nhiệt độ phòng phù hợp với trẻ là dưới 24°C. Đối với trẻ nhũ nhi, nhiệt độ phòng phù hợp và an toàn trong khoảng từ 16-21°C. Nếu để nhiệt độ lên đến 28°C khiến trẻ bị nóng thì trẻ tăng nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi. Hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi là hiện tượng đột tử xảy ra ở bé hoàn toàn khỏe mạnh trước đó mà người ta không biết được nguyên nhân, đa số xảy ra bé từ 2-6 tháng tuổi . Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng cho thấy có một số yếu tố nguy cơ làm tăng xác suất bé bị hội chứng này, ví dụ như tư thế nằm sấp khi ngủ, hút thuốc lá thụ động (người khác hút thuốc lá mà bé “hưởng” chất độc khói thuốc) , nhiệt độ phòng nóng đối với bé ( từ 27°C trở lên) , nằm chung giường với cha mẹ . Mặt khác, trẻ được sinh ra ở bất cứ vùng miền và vị trí địa lý nào cũng đều có cảm nhận về nhiệt độ như nhau . Trẻ sẽ cảm thấy lạnh khi nhiệt độ dưới 10°C , 16-17°C thì đủ mát với trẻ .

MÁY LẠNH KHÔNG GÂY BỆNH CHO TRẺ
Một trong những lý do khiến ông-bà bố mẹ không “dám” để nhiệt độ máy lạnh ở mức khuyến cáo là do có nhiều thông tin trên báo chí cho rằng cho trẻ ngủ trong phòng máy lạnh dẽ dẫn đến các bệnh về hô hấp. Điều này khiến nhiều người cho rằng, cho trẻ ngủ máy lạnh sẽ bị bệnh. Tuy nhiên, quan niệm này không đúng về mặt khoa học. Nói một cách chính xác, các bệnh mà trẻ mắc phải như viêm họng, viêm mũi , viêm đường hô hấp , viêm phế quản,... là do siêu vi lấy từ người này qua người khác.
Máy lạnh không thể “sản sinh” ra siêu vi bởi siêu vi Sống ký sinh trên một cơ thể ký chủ. Những siêu vi gây bệnh trên người thì chỉ có thể sinh sôi nảy nở trên ký chủ là người , sau đó lây lan từ người qua người bởi: ho, hắt xì hơi, lây qua tay...Nếu rời khỏi cơ thể người, siêu vi sẽ chết sau một khoảng thời gian do mất nguồn dinh dưỡng. Do đó, máy lạnh cũng không có khả năng phát tán siêu vi. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, có một số loài siêu vi có thể tồn tại lâu hơn trong nhiệt độ lạnh (như siêu vi cúm), trong khi đó, một số khác thì tồn tại lâu hơn trong nhiệt độ nóng.
Dù không phải là nguồn phát tán siêu vi, máy lạnh vẫn có thể bị đọng bụi nếu không được vệ sinh thường xuyên. Bụi có nguy cơ gây dị ứng đối với những trẻ bị dị ứng (chứ không gây bệnh). Nghĩa là, trẻ hít phải bụi sẽ bị nghẹt mũi, hắt xì hơi, mắt đỏ và chảy nước mắt. Trường hợp này được gọi là dị ứng đường hô hấp và viêm mũi là do dị ứng chứ không phải là do bị cảm (bệnh)
NHỮNG NGUỒN LÂY BỆNH THỰC SỰ
Khi đọc đến đây, bạn sẽ tự hỏi, thế tại sao trẻ lại bị cảm mỗi khi nằm máy lạnh . Đây là lúc chúng ta truy tìm nguồn gây bệnh thực sự cho trẻ, đó có thể là:
• Nhà trẻ hoặc trường học. Những trẻ đi học bị lây từ bạn. Hoặc nếu trẻ không đi học nhưng có anh/chị đi học thì anh/chị bị lây từ bạn học rồi về lây cho trẻ.
• Cha mẹ bị bệnh lây cho trẻ khi chăm sóc trẻ. Ví dụ như khi cha mẹ ho, hắt xì hơi, hay ôm mặt trẻ hôn chẳng hạn.
• Cha mẹ không bị bệnh nhưng tay của cha mẹ dính nguồn siêu vi từ chỗ làm hay bên ngoài , không sát khuẩn sạch sẽ mà chăm sóc trẻ thì sẽ lây siêu vi cho trẻ.
• Tay mẹ dính siêu vi, khi rơ lưỡi cho trẻ thì cũng lây bệnh cho trẻ.
**Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, bạn cần theo dõi những bài tiếp theo về “Cảm - ho - sổ mũi” tại fanpage Victoria Healthcare và Dr. Nguyễn Trí Đoàn.


Bs. Nguyễn Trí Đoàn – Trích “ Để con được ốm”

Nguồn tham khảo: Victoria Healthcare

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục dịch vụ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây