HIỂU ĐÚNG VỀ BẢNG THAM KHẢO CỘT MỐC PHÁT TRIỂN VẬN ĐỘNG

Victoria Healthcare cam kết chăm sóc bệnh nhân dựa trên bằng chứng y khoa đáng tin cậy nhất, không lạm dụng thuốc và xét nghiệm.
Các bảng tham khảo về mốc phát triển vận động của trẻ cần được hiểu đúng rằng, người ta chỉ biết đến tháng đó có bao nhiêu phần trăm những trẻ làm được điều đó, chứ không có nghĩa là đến tháng đó, trẻ phải làm được điều đó.
Ví dụ: 90% trẻ ở lứa tuổi 9 tháng có thể ngồi, 10% còn lại có thể phải theo dõi đến 12 tháng để xem có làm được điều này hay không. Nếu trễ quá mà không làm được thì mới phải coi chừng trẻ có vấn đề về phát triển.
Có một vài bà mẹ chia sẻ rằng con họ không biết lẫy, cũng không biết bò. Thực tế, cột mốc phát triển kỹ năng cuối cùng của trẻ vẫn phải là đứng lên và đi, do đó, lẫy và bò không quan trọng bằng đứng và đi. Có nhiều trẻ không lẫy, không bò, mà sẽ ngồi, rồi đứng dậy và đi luôn. Lúc này, cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ phát triển tiếp từ cột mốc đó luôn, chứ đừng bắt trẻ quay ngược trỡ lại, học lại các kỹ năng ngồi hay bò. Việc trẻ bỏ qua những kỹ năng vận động trung gian (như ngồi, bò) và đi luôn đến đích cuối cùng (đứng, đi) thì không có vấn đề gì cả và cha mẹ không cần phải lo lắng.
KHÔNG SO SÁNH SỰ PHÁT TRIỂN CỦA “CON NHÀ NGƯỜI TA”
Có một vấn đề khác mà tôi thường thấy là các bà mẹ thường có tâm lý so sánh con của mình với đứa trẻ khác. Ví dụ như có mẹ đến khám và hỏi tôi: “Sao tháng này con người khác làm được cái này nhưng con em không làm được?” Thực ra, điều này cũng giống như việc so sánh về cân nặng vậy. Những cột mốc về kỹ năng của trẻ là do trẻ tự đạt được chứ không phải nhờ vào sự tác động từ bên ngoài, nghĩa là cha mẹ không thể tập được cho trẻ đạt các kỹ năng ấy.
Có thể điều này sẽ khiến nhiều mẹ phản đối, nhưng thực tế, trẻ luôn biết cách tự bảo vệ chính bản thân. Khi chưa đủ lực để ngồi, bò, hay đứng lên được, trẻ không làm những động tác đó
Ví dụ như khi trẻ ngồi, lúc ban đầu, trẻ luôn khòm khòm lưng vì sức của trẻ chưa đủ để giữ thẳng lưng. Từ từ theo thời gian trẻ mới giữ thẳng lưng được. Thế nên trên thực tế, có trẻ đến 10 hay 12 tháng mới có thể ngồi thẳng được và điều này không gây ra gù lưng.
Có một điều cha mẹ cần biết rằng, não trẻ phát triển theo hướng kiểm soát cơ thể từ đầu đến chân, nghĩa là trẻ sẽ điều khiển được cổ trong những tháng đầu đời, sau đó điều khiển được thân mình để lật và rồi mới đến chân để trườn bò hay đứng lên. Tốc độ phát triển của não mỗi trẻ hoàn toàn khác nhau, thậm chí hai anh em sinh đôi cùng trứng cũng có phát triển não không giống nhau. Ví dụ, có trẻ biết nói sớm nhưng đi muộn hơn trẻ cùng tuổi. Nên việc so sánh sự phát triển vận động hay ngôn ngữ giữa hai đứa trẻ nhiều khi rất khập khiễng. Điều quan trong là cha mẹ cần xem xét con có phát triển so với bản thân trẻ không.
Ví dụ: trẻ 16 tháng mới biết đi, chậm so với con hàng xóm biết đi từ hồi 13 tháng, nhưng so với bản thân trẻ hồi 14 tháng chỉ mới biết đứng, trẻ có tiến triển đi lên. Điều này nghĩa là trẻ phát triển hoàn toàn bình thường.
Bs. Nguyễn Trí Đoàn - Trích "Để con được ốm"
(Bài viết của sử dụng hình ảnh từ Shutterstock)

Nguồn tham khảo: Victoria Healthcare

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục dịch vụ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây