ĐỪNG NHẦM LẪN “DỊ ỨNG ĐẠM SỮA” VỚI “NHIỄM KHUẨN KIẾT LỊ”

Victoria Healthcare cam kết chăm sóc bệnh nhân dựa trên bằng chứng y khoa đáng tin cậy nhất, không lạm dụng thuốc và xét nghiệm.
Có một tình trạng ở trẻ mà tôi thường thấy bị chẩn đoán nhầm là bị nhiễm khuẩn kiết lị, đó là dị ứng đạm sữa bò. Tại sao lại như vậy? Là do hệ thống miễn dịch của trẻ hiểu lầm đạm trong sữa bò là vật có hại cho cơ thể nên cơ thể sẽ phản ứng chống lại để loại bỏ, gây nên phản ứng viêm đường ruột. Phản ứng này cũng có biểu hiện giống như khi trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hoá, tức là trẻ cũng bị tiêu chảy, đôi khi ói và nếu phản ứng viêm làm tổn thương thành ruột thì trẻ đi phân có máu. Vì đi tiêu chảy có máu giống như nhiễm trùng kiết lị nên trẻ hay bị bác sĩ chẩn đoán nhầm là kiết lị.
Để phân biệt được hai tình trạng này, cha mẹ chỉ cần theo dõi thật kỹ biểu hiện của trẻ. Trẻ bị dị ứng đạm sữa sẽ không có biểu hiện khác của bệnh kiết lị, trẻ không sốt, vẫn vui vẻ, vẫn bú sữa ngon lành (trong khi những trẻ nhiễm kiết lị thì thường sẽ sốt, bỏ bú,…) Nói chung, hầu hết khi trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hoá, cơ thể sẽ phản ứng để giảm tải việc nạp thức ăn vào, trong giai đoạn này trẻ sẽ bỏ bú, không ăn. Còn trẻ bị dị ứng đạm sữa thì vẫn bú, vẫn vui vẻ, chỉ có cha mẹ là không vui vẻ thôi.
Về vấn đề xử lý, cha mẹ có thể đổi đạm sữa đang sử dụng thành một loại đạm khác. Thông thường, người ta sẽ khuyến cáo cho trẻ chuyển qua dùng đạm của đậu nành (khác nhiều so với đạm sữa bò) và chỉ uống trong giai đoạn bị dị ứng hoặc có thể xin sữa mẹ của người mẹ khác vì đạm trong sữa mẹ thì cơ thể trẻ ít chống lại hơn. Sữa dê không được khuyến cáo vì đạm của sữa dê cũng gần giống như đạm của sữa bò, trẻ cũng sẽ bị dị ứng với đạm sữa dê nếu bị dị ứng với đạm sữa bò.
Tuy nhiên, 50% trẻ bị dị ứng với đạm sữa bò cũng bị dị ứng chéo với đạm sữa đậu nành. Trong trường hợp này, nếu đổi qua sữa công thức (SCT) gốc đậu nành mà trẻ bị dị ứng nhẹ hơn, có tiêu chảy nhưng không đi ra máu, thì có thể để cho trẻ từ từ vượt qua. Còn nếu cha mẹ quá lo lắng, thì có thể chuyển sang cho trẻ uống sữa thủy phân. Sữa thủy phân đã cắt protein trong đạm thành từng phân tử nhỏ hơn, giúp cơ thể ít phản ứng hơn. Tuy nhiên, sữa được thủy phân mùi rất hôi và tanh, nên nhiều khi trẻ không chịu uống.
Do đó, tốt nhất vẫn là bú sữa mẹ, còn không thì nên dùng SCT có nguồn gốc từ đậu nành.
Bs. Nguyễn Trí Đoàn – Trích “Để con được ốm”
(Bài viết của sử dụng hình ảnh từ Shutterstock)

Nguồn tham khảo: Victoria Healthcare

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục dịch vụ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây