Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ vũ trụ thế giới
Rất gần gũi, thân thiện, anh hùng Phạm Tuân kể cho sinh viên nghe những ấn tượng của ông khi bay vào vũ trụ, sự xúc động khi nhìn thấy viền trái đất cong cong; những câu hỏi ông đã trả lời khi từ vũ trụ trở về, có câu hỏi bằng thơ mà ông giờ vẫn còn nhớ: “Việt Nam thiếu gạo, thiếu mì/ Bay vào vũ trụ làm gì Tuân ơi!”.
Ý nghĩa chính trị và ý nghĩa nghiên cứu khoa học đã được anh hùng Phạm Tuân hoàn thành xuất sắc trong nhiệm vụ này. Để ông ghi dấu mốc lịch sử quan trọng: Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ vũ trụ thế giới.
Nhà khoa học Phạm Gia Vinh chia sẻ ước mơ chinh phục không gian với sinh viên
Tiếp nối câu chuyện của anh hùng Phạm Tuân, các khách mời giao lưu cũng chia sẻ với sinh viên về những thành quả chinh phục vũ trụ của các nhà khoa học Việt Nam. Như nhà khoa học trẻ Phạm Gia Vinh kể lại, anh đã tự đặt câu hỏi cho mình: Bay mãi ở mặt đất thì bước tiếp theo là gì? Và anh đã chinh phục được tầng bình lưu (vùng cận vũ trụ ở độ cao 30 km) với thiết bị không người lái đưa được 3 chú chuột bạch và sau đó là 1 người bay vào tầng bình lưu và an toàn trở về.
Hay như lời kể của PGS. Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VASA) về sự kiện phóng thành công vệ tinh Micro Dragon bay vào quỹ đạo. Kết thúc câu chuyện, ông Phạm Anh Tuấn nói một câu có sức “tạo trend”: “Có ai nhớ người thứ hai bước lên mặt trăng sau Amstrong không? Không. Người ta chỉ nhớ người đầu tiên nên chúng ta phải dẫn đầu!”.
Sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - tự tin trả lời câu hỏi của anh hùng Phạm Tuân
Sức hút ngành Kỹ thuật hàng không
Là một trong những cơ sở đầu tiên đào tạo Ngành Kỹ thuật hàng không, các thế hệ sinh viên Kỹ thuật hàng không của Viện Cơ khí Động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội đang làm việc và giữ những trọng trách quan trọng trong các doanh nghiệp vận tải, dịch vụ hàng không của đất nước, đóng góp một phần quan trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Hàng không Việt Nam.
Mục tiêu của chương trình Kỹ thuật hàng không là đào tạo Nhân lực trình độ cao đáp ứng thị trường lao động trong nước và quốc tế trong lĩnh vực Cơ khí hàng không, áp dụng thành thạo kiến thức để vận hành, bảo dưỡng và nghiên cứu, thiết kế, phát triển các sản phẩm, hệ thống mới trong lĩnh vực Cơ khí Hàng không.
Sinh viên tốt nghiệp có kiến thức về khoa học cơ bản, về Kỹ thuật Cơ khí, về Kỹ thuật Hàng không vững vàng, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp, đủ năng lực áp dụng các kiến thức để vận hành, bảo dưỡng, thiết kế và triển khai các hệ thống, thiết bị liên quan đến Cơ khí Hàng không.
Đặc biệt, sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không Bách khoa Hà Nội sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong giao tiếp và công việc, đạt điểm TOEIC từ 500 trở lên. Đạt trình độ ngoại ngữ tốt đủ để làm việc trong môi trường liên ngành, đa văn hóa, đa quốc gia.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - thú vị với những chia sẻ của các vị khách mời
Ngoài các nguồn học bổng và hỗ trợ tài chính của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên theo học ngành Kỹ thuật Hàng không có cơ hội nhận các loại học bổng của Viện Cơ khí động lực, tổng giá trị học bổng cho sinh viên xuất sắc/năm: 120 triệu/năm. 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 1 năm với mức lương hấp dẫn.
Năm nay, Trường có 3 hình thức xét tuyền ngành này, đó là: Xét tuyển thẳng (Xét tuyển tài năng); Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển dựa trên kết quả bài kiểm tra tư duy (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).
Chất lượng đào tạo sinh viên Bách khoa Hà Nội được “kiểm định” ngay tại hội trường sáng nay khi anh hùng Phạm Tuân hỏi, cánh tay của sinh viên Bách khoa giơ lên ngay. Sau câu trả lời chính xác được anh hùng Phạm Tuân khen ngợi, ông nói: Tôi hỏi câu này nhiều nơi, nhiều người trả lời không đúng. Ngay một số thầy cô giáo THPT cũng trả lời không chính xác. Vậy mà bạn đã trả lời đúng rồi đó!
Toàn cảnh buổi giao lưu
Đánh giá rất cao chất lượng đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không của sinh viên Bách khoa Hà Nội, nhà khoa học trẻ Phạm Gia Vinh – người từng tuyển dụng các sinh viên vào công ty của mình - nhắn nhủ sinh viên hãy nên mạnh dạn cọ xát, trau dồi kỹ năng mềm.
Một con số rất ấn tượng được Ban tổ chức đưa ra: Con người mới đang biết 5% về vũ trụ. Còn rất nhiều điều bí ẩn đang chờ ta khám phá. Quan trọng là ta đam mê và ước mơ. Nhà khoa học Phạm Gia Vinh chia sẻ với sinh viên: Hãy dám mơ lớn, dám vượt qua thử thách.
TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - giao lưu với sinh viên
Còn GS. Đỗ Trung Tá – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và TS. Nguyễn Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ lại đề cập đến những cơ hội rộng mở trong nước và đi học tập tại nước ngoài của các kỹ sư chế tạo máy bay không người lái mang thương hiêu Việt Nam; nghiên cứu trong phòng thí nghiệm các sản phẩm, thiết bị bay phục vụ an ninh quốc phòng.
Nhiều cánh tay sinh viên đã giơ lên khi PGS. Phạm Anh Tuấn hỏi: “Có bạn nào muốn làm việc ở Trung tâm Vũ trụ Việt Nam không?”. Nhìn những gương mặt thông minh, nhiệt huyết dâng tràn của các sinh viên, tự tin một ngày không xa, sẽ có thiết bị vũ trụ Việt Nam đặt trên mặt trăng, viết tiếp những dấu mốc chinh phục không gian của người Việt.
Đại diện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, GS. Lê Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực - đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam và các trường Đại học và Học viện. 5 nội dung chính của Biên bản hợp tác xem TẠI ĐÂY |
Gia Hân. Ảnh: Duy Thành
Nguồn tham khảo: ĐH Bách Khoa HN
Copyright @2023 VINKAI. All Rights Reserved by Mr.Thắng
Ý kiến bạn đọc