Evergrande sụp đổ tiết lộ cách Tập Cận Bình tự tạo ra cuộc khủng hoảng Trung Quốc

Sự sụp đổ của công ty phát triển nhà đất không dẫn đến sự lây lan toàn cầu, nhưng thảm họa kinh tế đang rình rập Trung Quốc vẫn có thể xảy ra.
evergrande khủng hỏang

Một sai lầm lớn của Chiến tranh Lạnh là các nhà quan sát phương Tây có xu hướng đánh giá quá cao Liên Xô. Tôi thường tự hỏi liệu sai lầm tương tự có lặp lại với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hay không. Nhưng rồi, trong 10 năm qua, cứ mỗi một bài báo dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, thì sẽ có ít nhất hai lời tiên tri về một “cuộc khủng hoảng Trung Quốc”.

David Shambaugh viết vào năm 2015: “Sự sụp đổ của chế độ cộng sản Trung Quốc giờ đã bắt đầu.” Một cách khôn ngoan, ông nói thêm: “Cái chết của nó rất có thể sẽ kéo dài”. Cùng năm đó, Jim Chanos của Kynikos Associates cảnh báo: "Chúng ta đang tiến đến bước ngoặt không thể tránh khỏi ở Trung Quốc."

Tuần trước mở ra với một bước ngoặt khác ở Trung Quốc. Chúng ta đã được cảnh báo, sự sụp đổ sắp xảy ra của công ty phát triển bất động sản khổng lồ China Evergrande Group có thể là “Khoảnh khắc Lehman” (anh em nhà Lehman phá sản, báo hiệu cuộc đại suy thoái 2008) của Trung Quốc. Trong 24 giờ, thị trường chứng khoán toàn cầu giảm vài điểm phần trăm. Tuy nhiên, đến sáng thứ Ba, câu chuyện đó dường như đã chấm dứt. Sự bồn chồn lắng xuống và các nhà đầu tư quay trở lại phân tích lời phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Jay Powell, để đảm bảo rằng ông không nói ra điều gì kinh ngạc.

Vậy nếu cuộc khủng hoảng Trung Quốc không bao giờ xảy ra – mặc cho bao nhiêu lần thị trường Trung Quốc dường như sẽ mãi đi xuống giống Chanos dự đoán - thì liệu Trung Quốc cuối cùng có vượt qua được Mỹ không? Cho đến nay, Trung Quốc chỉ vượt Hoa Kỳ khi tổng sản phẩm quốc nội được điều chỉnh trên cơ sở “ngang giá sức mua” (purchasing power parity), điều này cho phép một bữa ăn ở Trùng Khánh rẻ hơn một chút so với bữa ăn ở Chicago. Trên cơ sở đồng đô la hiện tại, GDP của Trung Quốc năm ngoái vẫn chỉ bằng 72% GDP của Hoa Kỳ, ngay cả khi bao gồm cả Hồng Kông.[@So if the China crisis never happens — no matter how many times China permabears like Chanos predict it — does China eventually overtake the U.S.? Thus far, it has done so only in terms of gross domestic product adjusted on the basis of “purchasing power parity,” which allows for the fact that a meal in Chongqing is quite a bit cheaper than one in Chicago. On a current dollar basis, China’s GDP last year was still just 72% of U.S. GDP, even with Hong Kong included.]

Liệu Trung Quốc có vượt qua Mỹ? Không, tôi không nghĩ vậy. Gần ba năm trước, trong phút cao trào của một cuộc tranh luận sôi nổi ở Seoul, tôi đã cá với nhà kinh tế người Trung Quốc Justin Yifu Lin 20.000 nhân dân tệ (khoảng 3.000 đô-la) rằng nền kinh tế Trung Quốc - được định nghĩa là GDP tính theo đô la hiện tại - sẽ không vượt qua Mỹ trong tương lai 20 năm. Tôi vẫn sẽ giữ vững vụ cá cược đó, ngay cả khi Khoảnh khắc Lehman của hệ thống tài chính Trung Quốc không bao giờ xảy ra. Lý do là như sau.

Hãy bắt đầu bằng cách nhớ lại có bao nhiêu chuyên gia tin rằng Liên Xô sẽ vượt qua Mỹ. Trong các lần xuất bản liên tiếp, cuốn sách giáo khoa kinh tế có ảnh hưởng cực kỳ lớn của nhà kinh tế học Paul Samuelson đã đưa ra một biểu đồ dự đoán rằng tổng sản phẩm quốc dân của Liên Xô sẽ vượt qua nước Mỹ vào một thời điểm nào đó trong khoảng từ năm 1984 đến năm 1997. Ấn bản năm 1967 cho rằng cuộc vượt mặt vĩ đại có thể xảy ra ngay năm 1977. Đến ấn bản năm 1980, khung thời gian đã được chuyển sang giai đoạn 2002-2012. Biểu đồ đó về sau đã bị lặng lẽ gạt bỏ.

Samuelson hoàn toàn không phải là học giả người Mỹ duy nhất mắc phải sai lầm này. Cuối năm 1984, chuyên gia chủ nghĩa tự do John Kenneth Galbraith của Harvard vẫn có thể khẳng định rằng “hệ thống của Nga thành công vì trái với các nền kinh tế công nghiệp phương Tây, nó sử dụng triệt để nhân lực của mình”. Có rất ít các nhà kinh tế học nhận ra những thực tế tồi tệ của nền kinh tế kế hoạch, chẳng hạn như G. Warren Nutter của Đại học Virginia - gần hiếm bằng số các nhà sử học, chẳng hạn như Robert Conquest, nắm được mức độ nghiêm trọng của những tội ác mà hệ thống Xô Viết gây ra cho chính người dân nước này.

Bây giờ chúng ta đã biết Samuelson, Galbraith và các cộng sự đã sai như thế nào. Sau năm 1945, theo ước tính cuối cùng của Angus Maddison, nền kinh tế Liên Xô không bao giờ lớn hơn 44% quy mô của Hoa Kỳ. Đến năm 1991, GDP của Liên Xô chưa bằng một phần ba GDP của Hoa Kỳ.

Trung Quốc tất nhiên đã rút ra bài học từ kinh nghiệm của Liên Xô. Bắt đầu từ cuối những năm 1970 với Đặng Tiểu Bình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng Đảng Cộng sản có thể khai thác các lực lượng thị trường để duy trì quyền lực của chính họ, nhưng họ không bao giờ được nới lỏng sự kìm kẹp chính trị của đảng. Nếu có một thứ mà ta tin chắc ĐCSTQ sẽ không bao giờ sản xuất, đó là một Mikhail Gorbachev của Trung Quốc.

Theo cách tương tự, người Trung Quốc đã học hỏi kinh nghiệm của Mỹ. Tôi nhớ rất rõ, sau khi anh em Lehman phá sản năm 2008, các nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc đã đến thăm Harvard (nơi tôi giảng dạy vào thời điểm đó), và chắc chắn là nhiều học viện khác, để nghiên cứu nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ở đâu đó trong văn phòng của Chủ tịch Tập Cận Bình phải có một bản sao của bản báo cáo mà họ đã viết sau đó. Nếu có một thứ khác mà ta tin chắc ĐCSTQ sẽ không bao giờ tạo ra, thì đó chính là Khoảnh khắc Lehman của Trung Quốc.

Tuy nhiên, như nhà sử học vĩ đại người Anh A.J.P. Taylor từng quan sát về Hoàng đế Pháp Napoléon III, ông ta “học từ những sai lầm trong quá khứ cách để tạo ra những sai lầm mới”. Khi suy ngẫm về ông Tập, tôi thấy mình tự hỏi liệu Đảng Cộng sản có đang vô tình tạo ra một phiên bản Napoléon III của Trung Quốc, với thời gian trị vì cũng được đánh dấu bằng sự phát triển bất động sản tràn lan hay không. (Paris mà bạn thấy ngày hôm nay phần lớn là thành tựu của ngài thủ hiến ở sông Seine, Georges-Eugene Haussmann.)

Evergrande chủ yếu có ý nghĩa như một minh họa về cách mô hình kinh tế Trung Quốc đã tiến triển như thế nào trong những thập kỷ diễn ra quá trình đô thị hóa được tiêm steroid. Đây là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc, với tài sản ước tính 355 tỷ USD trên 1.300 dự án phát triển. Nó có khoảng 200.000 nhân viên và thường thuê 3-4 triệu lao động mỗi năm cho công việc xây dựng.

Đây cũng là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất trên thế giới, với các khoản nợ trên bảng cân đối tương đương gần 2% GDP hàng năm của Trung Quốc và các nghĩa vụ ngoại bảng cân đối tương đương thêm 1% nữa. Trong số các khoản nợ phải trả của công ty có 37 tỷ đô la hóa đơn và các khoản phải trả thương mại cho các nhà cung cấp và nhà thầu, và ước tính khoảng 6 tỷ đô la trong các sản phẩm quản lý tài sản hiệu quả cao, mà công ty đã bán cho hơn 80.000 nhà đầu tư bán lẻ.

Evergrande chỉ là một trong nhiều công ty bất động sản có đòn bẩy như vậy ở Trung Quốc. Có điều nó tình cờ là công ty dàn trải nhất, vậy nên nó là công ty đầu tiên gặp rắc rối khi chính phủ đưa ra “ba lằn ranh đỏ”. Ba lằn ranh này quy định rằng tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản của nhà phát triển bất động sản phải dưới 70%; tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu dưới 100%; và tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn tối thiểu là 100%. Evergrande vi phạm cả ba lằn ranh này, nhưng nó vốn là một công ty tốt. Trong số 15 nhà phát triển lớn nhất của đất nước, chỉ có một nhà phát triển hoàn toàn tuân thủ các quy tắc mới, theo dữ liệu của báo South China Morning Post.

Khi chính phủ Trung Quốc quyết định lấy một tay chơi sử dụng đòn bẩy quá mức ra làm gương, ta đều biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và đó không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - thậm chí còn chẳng phải là một cuộc khủng hoảng trong nước. Sẽ có vài cuộc đàm phán tích cực, như đã xảy ra vào tuần trước, với một số trái chủ (trong nước) được trả tiền và những người khác (ở nước ngoài) được yêu cầu chờ đợi. Nhưng vào một thời điểm nào đó sớm thôi - có thể là trước kỳ nghỉ tháng 10 - chính phủ sẽ buộc thông qua một quá trình tái cơ cấu chính thức và phá sản. Những người được coi là quan trọng về mặt chính trị sẽ nhận cái kết nhẹ nhàng; những con tốt thí chính trị sẽ mất tiền đầu tư; một số giám đốc điều hành hàng đầu sẽ phải đối mặt với án tù. Đó là những gì đã xảy ra với tập đoàn du lịch HNA Group Co. vào năm 2018. Đó cũng là những gì đã xảy ra với Baoshang Bank Co. vào tháng 5 năm 2019.

Góc nhìn lạc quan nhất mà tôi đã đọc tuần trước đến từ loạt bài báo luôn thú vị MacroPolo được xuất bản bởi Viện Paulson, thành lập bởi cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson (bản thân là người có chút thẩm quyền về Khoảnh khắc Lehman). Theo Houze Song, cuộc khủng hoảng Evergrande là kết quả của một sai lầm về chính sách, bởi vì “các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc… bận tâm đến việc bóp nghẹt bong bóng bán bất động sản và đất đai… đã yêu cầu các ngân hàng cắt giảm các khoản vay thế chấp”. Ít các khoản thế chấp hơn khiến giá nhà đất giảm xuống, đẩy Evergrande đến bờ vực vỡ nợ. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp bởi vì:

  1. 1) Ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách thế chấp để giảm bớt tình trạng khan hiếm thanh khoản cho lĩnh vực bất động sản;
  2. 2) Doanh số bán bất động sản sẽ tăng trở lại vì nhu cầu về nhà ở vẫn dồi dào;
  3. 3) Các công ty dễ bị tổn thương hơn sẽ có thể bán tài sản của họ (ví dụ, đất đai) để huy động tiền mặt.

Ông kết luận: “Những động lực này sẽ củng cố lẫn nhau, và sẽ giúp ổn định lĩnh vực bất động sản trong lúc nó lúng túng trải qua hết năm nay”.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hành động. Hôm thứ Năm, họ đã tìm cách giảm bớt căng thẳng tài chính với số tiền tương đương 17 tỷ đô la dưới hình thức các thỏa thuận mua lại nghịch đảo (hay hợp đồng Repo nghịch đảo – reverse repurrchase agreement) trong 7 và 14 ngày, hoạt động thị trường mở lớn nhất kể từ tháng Giêng. Cổ phiếu của Evergrande tại Hồng Kông tăng mạnh. Khủng hoảng kết thúc. Đội bảo vệ chống sập giá (PPT) hãy ngừng tay.

Tất cả những điều này cho thấy Khoảnh khắc Lehman không bao giờ có khả năng xảy ra. Hệ thống tài chính do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc có các cuộc khủng hoảng do nhà nước kiểm soát, nhắm vào các công ty cụ thể để “làm gương” – chứ không phải để kích hoạt hiện tượng rút tiền hàng loạt trên diện rộng đã đẩy hệ thống tài chính toàn cầu đến điểm sụp đổ vào mùa đông năm 2008-2009.

Dẫu vậy, bạn có thể tránh được sự lây lan tài chính nhưng không nhất thiết tránh được sự lây lan kinh tế vĩ mô ngấm ngầm hơn. Như nhà kinh tế học Harvard Ken Rogoff đã chỉ ra vào năm ngoái trong một bài nghiên cứu đồng tác giả với Yuanchen Yang của Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, vai trò của bất động sản trong nền kinh tế Trung Quốc ngày nay thậm chí còn lớn hơn vai trò của nó trong nền kinh tế Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính. Tác động của các hoạt động liên quan đến bất động sản chiếm tới 18,9% GDP của Hoa Kỳ vào năm 2005, mức đỉnh điểm trước khủng hoảng. Con số tương đương của Trung Quốc năm 2016 là 28,7%. Không quốc gia nào trong 10 quốc gia khác từ mẫu của bài nghiên cứu tiệm cận mức này, ngoại trừ Tây Ban Nha trước khủng hoảng tài chính (28,7% vào năm 2006).

Chi tiết cụ thể còn đáng kinh ngạc hơn. Tổng cộng, khoảng 27% các khoản vay ngân hàng Trung Quốc đến từ lĩnh vực bất động sản. Bất động sản là hình thức thế chấp chính để chứng khoán hóa khoản vay. Năm 2017, gần 18% lực lượng lao động thành thị làm việc trong lĩnh vực bất động sản và các ngành liên quan. Trong năm 2018, việc bán đất của chính quyền địa phương chiếm tới 35% doanh thu của họ.

Giống như chuyện đã xảy ra ở Nhật Bản trong bong bóng nhà đất vào cuối những năm 1980, giá trị thị trường của cổ phiếu nhà ở Trung Quốc hiện cao hơn gấp đôi của Mỹ và gấp ba của châu Âu. Điều này có nghĩa là tài sản nhà ở chiếm tỷ trọng lớn hơn đáng kể trong tổng tài sản ở Trung Quốc (78%) so với ở Mỹ (35%). Rogoff và Yang kết luận rằng tiêu dùng của các hộ gia đình Trung Quốc do đó “nhạy cảm với sự sụt giảm giá nhà ở hơn đáng kể” so với các đối tác Mỹ và Nhật Bản. “Hoạt động bất động sản giảm 20% có thể dẫn đến giảm 5-10% GDP, ngay cả khi không có sự khuếch đại từ cuộc khủng hoảng ngân hàng, hoặc tính đến tầm quan trọng của bất động sản như tài sản thế chấp”.

Nói một cách đơn giản, sự tăng trưởng của Trung Quốc được thúc đẩy trong nhiều năm nhờ việc xây dựng nguồn cung nhà ở dư thừa. Điều này được tài trợ bởi một núi nợ không bền vững. Như nhà kinh tế Michael Pettis làm việc tại Bắc Kinh đã lưu ý vào tuần trước: “Tỷ lệ nợ trên GDP chính thức của Trung Quốc đã tăng gần 45 điểm phần trăm trong 5 năm qua, khiến nó trở thành một trong những nước có tỷ lệ nợ cao nhất đối với bất kỳ quốc gia đang phát triển nào trong lịch sử”.

So với quy mô nền kinh tế, nợ doanh nghiệp phi tài chính ở Trung Quốc hiện nay thậm chí còn lớn hơn ở Nhật Bản vào cuối những năm 1980. Cả các tòa cao ốc và tiền nợ đều tăng vào thời điểm lực lượng lao động Trung Quốc bắt đầu đi xuống. Với tỷ lệ sinh giảm, tổng dân số được Liên hợp quốc dự báo sẽ giảm khoảng 25% vào cuối thế kỷ này - thậm chí có thể là 50%.

Kết quả là những ngôi nhà không có người ở. Khoảng từ 1/5 đến 1/4 nguồn cung nhà ở Trung Quốc được ước tính là trống. Tuần trước, Logan Wright của Tập đoàn Rhodium ước tính rằng có đủ bất động sản trống ở Trung Quốc để chứa hơn 90 triệu người.

Tất nhiên, không bài báo nào về “cuộc khủng hoảng Trung Quốc” trong 20 năm qua mà không có hình ảnh về các thành phố ma không người ở. Nhưng luôn có lập luận ngược lại: "Bạn cứ xây, rồi họ sẽ tới." Chà, họ đã xây 15 khu chung cư cao tầng ở thành phố Tây Nam Côn Minh vào năm 2013. Thật không may, chủ đầu tư hết tiền và các tòa nhà bị lỗi. Tháng trước, “Sunshine City II” đã bị phá hủy một cách ngoạn mục sau một loạt các vụ nổ có kiểm soát. Một video clip đó làm tôi ấn tượng còn hơn tất cả các video về thành phố ma mà tôi đã xem trong nhiều năm. Không có gì nói "phá hủy của cải" hơn việc lật đổ các tòa tháp.

Cuộc khủng hoảng bất động sản có mức độ phân chia rộng hơn nhiều so với việc tái cấu trúc tất yếu của Evergrande. Các nhà phát triển khác đang phải chịu áp lực (một trong số các công ty còn được gọi là Fantasia là đủ rõ). Doanh số bán nhà đang giảm. Việc bán đất của chính quyền địa phương cũng vậy. Các ngân hàng chịu rủi ro đang bị áp lực, cũng như các nhà sản xuất thép và xuất khẩu quặng sắt vốn từ lâu đã trở nên giàu có nhờ hoạt động xây dựng của Trung Quốc. Và khi giá căn hộ giảm làm giảm tài sản hộ gia đình – như Rogoff và Yang đã dự đoán – ta có thể đoán biết một tác động đáng kể đến tiêu dùng. Dữ liệu tháng 8 đã cho thấy sự sụt giảm trong tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng năm từ 8,5% trong tháng 7 xuống còn 2,5%, mặc dù điều này phần nào phản ánh tác động của các lệnh cấm nhằm chống Covid. Sự chậm lại đó dường như sẽ kéo dài đến tháng 9 và tháng 10.

Trong nhiều năm, Pettis và những người khác đã lập luận rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã bị thổi phồng một cách giả tạo và tốc độ tăng trưởng không có steroid có lẽ chỉ bằng một nửa mục tiêu chính thức. Một số nhà kinh tế Trung Quốc được báo chí trích dẫn trong tuần trước đã gợi ý tốc độ tăng trưởng gần 4% trong thập kỷ tới. Leland Miller, của China Beige Book, thậm chí còn đề xuất tỷ lệ 1% hoặc 2% trong 10 năm tới.

Sẽ rất thú vị khi xem liệu Quỹ Tiền tệ Quốc tế có đánh giá lại và giảm dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc trong Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng tới hay không. Quay trở lại mùa hè năm 2020, IMF cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 9,2% trong năm nay và 5,7% vào năm sau. Con số năm 2021 đã được giảm xuống 8,1%. Dự báo năm 2023 gần đây nhất là 5,4%. Tất cả những con số này đối với tôi đều cao, cho dù chấp nhận dữ liệu thống kê không đáng tin cậy của Trung Quốc. (Ơn trời, giám đốc điều hành của IMF sẽ không bao giờ cân nhắc thổi phồng hiệu quả kinh tế của Trung Quốc! Khoan, đó chính xác là những gì Kristalina Georgieva bị cáo buộc là đã làm khi còn ở Ngân hàng Thế giới.)

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã sai lầm trong toàn bộ sự việc. Trong 15 tháng đến tháng 6 năm 2021, họ đã rót 527 tỷ USD vào cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc. Một phần lớn số tiền đó tìm đường từ thị trường trái phiếu đô la ở nước ngoài đến khoản nợ bất động sản có lợi suất cao. Trong số các quỹ được biết là nắm giữ khoản nợ của Evergrande có Fidelity International Ltd., UBS Asset Management, Amundi Asset Management SA và BlackRock Inc. Tuần trước, Ray Dalio của Bridgewater Associates cáng đáng việc vận động phe đầu tư giá lên ở Trung Quốc. Ông nói cuộc khủng hoảng Evergrande “hoàn toàn có thể kiểm soát được”. Hệ thống sẽ được "bảo vệ". Nhưng điều đáng chú ý là vào ngày 3 tháng 8, George Soros đã cảnh báo các nhà đầu tư ở Trung Quốc rằng họ phải đối mặt với “một gáo nước lạnh” và vào ngày 6 tháng 9, ông đã chỉ ra “cú vấp Trung Quốc của BlackRock”. Khi Soros và Kyle Bass ở cùng một phe, mọi thứ trở nên thú vị. (Quỹ của Bass, Hayman Capital Management, đã ở Trung Quốc trong nhiều năm.)

“Chế độ bị phá hủy bởi một cuộc cách mạng hầu như luôn luôn là tiến bộ hơn so với phiên bản ngay trước đó của nó,” Alexis de Tocqueville viết trong cuốn “Chế độ cũ và cuộc cách mạng”. “Và kinh nghiệm dạy rằng thời điểm quan trọng nhất của các chính phủ tồi là thời khắc chứng kiến họ bước những bước đầu tiên hướng về cải cách.” Tôi thường nghĩ về đoạn văn đó khi chứng kiến Gorbachev vô tình phá hủy Liên Xô bằng cách cố gắng cải tổ nó. Chỉ gần đây tôi mới biết rằng nó cũng có thể áp dụng cho Tập, một người bài xích Gorbachev. Mặc dù những cải cách của ông đi ngược hướng với Gorbachev - quay ngược đồng hồ chính trị về chủ nghĩa Mác-Lênin, thay vì hướng tới chủ nghĩa tự do - hiệu quả có thể giống như nhau.

Cuộc đàn áp của ông Tập đối với các nhà phát triển bất động sản chỉ là đòn mới nhất mà ông đã giáng vào “chủ nghĩa tư bản mang sắc thái Trung Quốc”. Đầu tiên là các công ty công nghệ lớn - Alibaba Group Holding Ltd., Tencent Holdings Ltd. và lãnh đạo dịch vụ chia sẻ chuyến đi Didi Global Inc. Sau đó, đến lượt lĩnh vực giáo dục-vì-lợi nhuận. Tất cả những điều này phản ánh niềm tin của ông Tập rằng Trung Quốc cần phải chuyển từ “tăng trưởng giả tưởng” sang “tăng trưởng thực sự” và quyết tâm của ông trong việc biến khẩu hiệu cũ của ĐCSTQ là “thịnh vượng chung” trở thành liều thuốc giải độc có ý nghĩa cho tình trạng bất bình đẳng tràn lan của kỷ nguyên “làm giàu nhanh chóng”. Các nhà đầu tư làm ngơ trước cú rẽ sang chủ nghĩa chống tư bản này ở Trung Quốc thì chỉ thể tự trách chính mình nếu họ thua lỗ.

Tương tự như vậy, những nhà phân tích nào vẫn tiếp tục dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ chiếm lấy thế giới sẽ chỉ có thể tự trách chính bản thân khi họ không rút ra được bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô. Có lẽ, nói theo cách của Taylor, ông Tập đã rút kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng của những người khác chỉ để tạo ra một cuộc khủng hoảng của chính mình.

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục dịch vụ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây