Nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Tôi khổ vì sự kỹ càng”

76 tuổi, vẫn hừng hực khí thế làm “mõ làng” đi “đòi nợ” tác quyền nhạc sĩ, vì thế mà hơn 50 năm trong nghề, ông mới có riêng cho mình một liveshow khắc họa cuộc đời ca nhạc của mình.

1. 76 tuổi, Phó Đức Phương vẫn rất trẻ trung. Chất nghệ trong con người ông, không chỉ ở mái tóc xoăn, không phải ở những sáng tác đã đi cùng năm tháng, mà bởi những tâm huyết vẫn còn hừng hực cháy. Ai dám bảo ông đã già, vì khi bị hỏi xoáy, ông vẫn minh mẫn để gạt bỏ, để dặn “đừng có đưa lên báo nhé”. Ông né tránh việc bị khai thác chuyện đời tư bằng cái xua tay và thật thà một cách ngắn gọn “Vợ tôi ủng hộ tôi hết”. Vì thế, không như những nhạc sĩ khác, hay nói về những “người tình” trong âm nhạc của mình, về cả những người cũ – mới, những “nàng thơ” và cả về người “đầu gối tay ấp” với mình thì ông sẽ chỉ kể âm nhạc với những bài hát nhiều cảm hứng về dòng sông như Huyền thoại Hồ Núi Cốc, Hồ trên núi, Chảy đi sông ơi, Lội dòng sông quê, Bên dòng sông Cái, Dòng sông ký ức, Nao nao Thác Bà, Nơi áo Chàm hồ xanh Ba Bể, Một thoáng Tây Hồ, Mái chèo thiên thu...

Âm hưởng dân gian đồng bằng Bắc Bộ sẽ thấm đẫm không gian Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Mỹ Đình vào đêm 29-12 tới đây, khắc hoạ chân dung nhạc sĩ Phó Đức Phương sau 50 năm cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam. Như nói ở trên, liveshow “Trên đỉnh Phù Vân” sẽ chỉ nói về những sáng tác của ông, thể hiện những gì đặc trưng, chắt lọc và phổ quát nhất con đường hoạt động nghệ thuật 50 năm của nhạc sĩ Phó Đức Phương kể từ năm 1966 đến nay.

Hơn 20 ca khúc nổi bật, cả cũ và mới, ở nhiều thể loại, chứa đựng tâm huyết của nhạc sĩ sẽ vang lên qua tiếng hát của các nghệ sĩ: Thanh Thanh Hiền, Thanh Lam, Tấn Minh, 5 Dòng Kẻ, Tùng Dương, Bằng Kiều, Thu Phương, Thanh Ngoan, Hoàng Quyên, Nhóm M4U, Nhóm Việt Bắc, Nhóm Tứ Tửu,... Đặc biệt đêm diễn có sự góp mặt của nghệ sĩ Saxo Trần Mạnh Tuấn và con gái An Trần. Đây là những nghệ sĩ gắn bó với âm nhạc Phó Đức Phương và góp phần đưa những sáng tác của ông đến với đông đảo công chúng suốt gần 30 năm qua.

Tự nhận mình rất kỹ tính và khắt khe trong cả đời sống và lối sáng tác âm nhạc, có lẽ vì thế đêm nhạc này tạo áp lực lớn với nhạc sĩ Đỗ Bảo – người đảm nhận vai trò đạo diễn âm nhạc. Nhưng dù e ngại tới mấy, thì thử thách này càng khiến cho nhạc sĩ “Bức thư tình đầu tiên” thích thú vượt qua, hứa hẹn mang đến sự hấp dẫn, tươi mới và hiện đại trong âm nhạc đậm màu Á đông của Phó Đức Phương. “Tôi sẽ đưa vào những phụ trợ của âm nhạc điện tử, dàn nhạc cổ điển, dàn nhạc dân tộc, hòa trộn làm sao để đảm bảo các cung bậc nối tiếp nhau giữa các bài hát là dễ chịu và truyền cảm” - nhạc sĩ Đỗ Bảo chia sẻ.

2. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đã có đủ bộ sưu tập những đêm nhạc chung và riêng, khắc họa những tính cách âm nhạc, cuộc đời âm nhạc, người tình âm nhạc… thì Phó Đức Phương vẫn mải miết trên hành trình làm công việc tác quyền. 15 năm qua, ông vẫn còn sáng tác khi đang kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Nhưng những sáng tác đó, ông phải thú nhận nó chẳng phổ biến được như “Nao nao Thác Bà”, “Ngũ hành sơn”, vì thế mà nhiều người nghĩ, hay là ông bị chột sáng tác rồi.

 

Ông bảo, “chột là chột thế nào, các bạn sẽ thấy nhiều sáng tác mới của tôi ở trong liveshow kỷ niệm lần này”. Và một trong những tâm đắc của ông bên cạnh “Chảy đi sông ơi”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Hồ núi cốc”… chính là “Tửu ca”. Bài này ông viết cũng vài năm, với một tâm hướng là vất bỏ hết tâm trí của mình. Ông thật thà thú nhận, cái bọn mà càng nhiều sách vở thì càng bị buộc chặt bởi trí tuệ và kiến thức, càng hiểu biết nhiều càng hay đa nghi. Với “Tửu ca”, ông muốn vất bỏ hết để trở về với bản thể ngay trong con người mình. Bao năm nay, con người cứ bị giày vò tâm trí, cả đời bị phân biệt trong cái đúng – sai, sang – hèn, bạn – thù, giàu – nghèo, phải – trái, trên – dưới… Khao khát là vậy, nhưng chính ông cũng chưa thể vất bỏ hết mọi thứ sang một bên, để thảnh thơi với đời. Buông bỏ để đi vào cõi thiền chẳng dễ gì với những kẻ còn đang đau đáu nhiều chuyện tác quyền như ông, nên ông chỉ tự nhủ bản thân mình, ừ thì phải nới rộng quan điểm thiền, thiền tại gia, thiền trong tâm mình vậy.

15 năm qua, từ chối nhiều lời mời sáng tác, làm nhạc cho sân khấu, cho điện ảnh và các chương trình ca múa nhạc vì quá bận rộn. Nhưng với liveshow đầu tiên tái hiện hành trình 50 năm âm nhạc của mình, ông vô cùng cẩn thận và chỉn chu. Sự xuất hiện của những gương mặt mới được ông tiết lộ mang lại cho ông những háo hức bởi chuyên chở được âm nhạc của ông, vượt qua được những gương mặt đã gắn danh với âm nhạc của ông không phải đơn giản. Hai nhân tố lạ và rất mới chính là Bằng Kiều và Thu Phương. Thu Phương và Bằng Kiều sẽ phải hát theo cách của họ và ông tin hai gương mặt này sẽ tạo nên điểm nhấn rất riêng trong âm nhạc của ông.

3. Trong giới, ai chẳng biết ông ham việc đến sẵn sàng xung đột với cả gia đình và mọi người xung quanh. Thậm chí trên hành trình để duy trì Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, có nhiều bạn bè đã đến và rồi lại đi vì bất đồng quan điểm. Nhưng dù là thế, ông vẫn làm. Cứ làm rồi lại phải động viên các đồng nghiệp đang hoang mang, mệt mỏi rằng chúng ta đã hết tuổi để làm cái gì để người ta khen chê rồi, thấy việc đúng là cứ làm. Phải biết đứng lên trên mọi sự khen chê.

Tự tin chẳng có sai lầm nào trong những việc liên quan đến Luật pháp tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, nhưng ông cũng thú thật là thuở ban đầu ông rất ngây thơ. “Tôi ngây thơ đến mức khi đọc Luật dân sự năm 1995 về quyền tác giả, lòng tôi sáng bừng lên. Tôi nhiệt huyết và tin tưởng lắm. Phải bắt tay làm ngay thôi. Đó là ngây thơ. Chứ nếu người bị va chạm, người từng trải, người ta không tin ngay như tôi đâu”.

Ông kể, người bạn đã khuất của ông – nhà văn Nguyễn Khắc Phục từng huỵch toẹt là “Ông Phương ơi, tôi cần tác phẩm của ông hơn, những việc khó kia để người khác làm. Tác phẩm của ông đóng góp tốt hơn cho những người yêu nhạc – như tôi”. Biết là chẳng cãi được với nhà văn, nhạc sĩ “Chảy đi sông ơi” phải lôi tử vi ra để trấn áp “Ông Phục ơi, tử vi của tôi nó thế rồi, số tôi đến đoạn đó là âm nhạc phải tạm dừng lại”. Rồi ông trốn vào đó để chấm dứt tranh luận, với nhiều người, không riêng Nguyễn Khắc Phục. Chỉ bởi ông không thẳng thắn nói thêm chuyện, chẳng ai dám quên mình, dám chết vì việc đòi tiền bản quyền âm nhạc như ông.

Hơn 70 tuổi, Phó Đức Phương vẫn tự nhận mình là người "sở hữu một hợp chất": “Có những người bảo tôi là kỹ càng, sâu sắc, chín chắn… Cũng đúng thôi. Vì trong một số lĩnh vực, tôi sâu sắc, ghê gớm, tôi phải ngụp lặn đào bới rất ghê. Nhưng ngược lại tôi biết mình còn những việc vụng dại và bồng bột”. 50 năm làm nghề, lần đầu ông trình làng một đêm nhạc riêng mình, hẳn có nhiều điều đáng chờ đợi đối với công chúng.

 

Theo nhandan.org.vn

Nguồn tham khảo: Trường đại học sư phạm nghệ thuật Trung Ương

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục dịch vụ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây