Giá năng lượng tăng đột biến kỷ lục khó có thể xảy ra vào thời điểm tồi tệ hơn đối với kế hoạch chống khí hậu mới đầy tham vọng của châu Âu, khi mà các chính trị gia chỉ mới bắt đầu nói về cách họ sẽ thực hiện chiến lược cắt giảm khí thải sâu rộng nhất thế giới.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đang đe dọa làm gia tăng hai con số trong hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng nhiều tháng trước mùa đông lạnh giá và nó cũng đang bóp chết những gã khổng lồ công nghiệp. Trong lúc các chính phủ châu Âu cố gắng giảm thiểu tác động đến người tiêu dùng - chẳng hạn như Hy Lạp hứa sẽ trợ cấp các hóa đơn điện - các mối đe dọa về mất điện ở Anh tuần trước là một lời nhắc nhở sống động về sự mong manh của nguồn cung cấp năng lượng.
Đối với Liên minh châu Âu, vốn đang đề xuất cấm xe ô tô mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035 và áp đặt các chi phí mới đối với hệ thống sưởi ấm trong nhà chạy bằng năng lượng ô nhiễm, chi phí cao của một kế hoạch đầy tham vọng như thế sẽ càng khó lòng thuyết phục các cử tri đang quay cuồng vì các hóa đơn điện nước tăng cao.
Peter Vis, cố vấn cấp cao tại công ty tư vấn Quan hệ Công chúng Rud Pedersen và là cựu trợ lý chính trị của ủy viên khí hậu đầu tiên của EU cho biết: “Tất nhiên giá năng lượng hiện tại có khả năng làm cho các cuộc thảo luận về gói chống biến đổi khí hậu trở nên phức tạp hơn. Nhưng việc cắt giảm gói chống biến đổi khí hậu vì cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại sẽ hạ thấp giá trị giải pháp dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch mà không giải quyết nguyên nhân của việc thắt chặt nguồn cung cấp khí đốt”.
Giá khí đốt tự nhiên và giá điện đang tăng lên mức cao nhất mọi thời đại ở 27 quốc gia, khi nền kinh tế của khối phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nhu cầu tăng mạnh diễn ra trong bối cảnh nhập khẩu khí đốt từ Na Uy và Nga bị hạn chế, với một số quốc gia cáo buộc Moscow thao túng nguồn cung. Đồng thời, chiến lược của EU nhằm đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải trong mọi lĩnh vực từ giao thông vận tải đến sản xuất và nông nghiệp đã thúc đẩy nhu cầu về giấy phép phát thải carbon, với mức giá tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua lên mức kỷ lục mới.
Giá năng lượng tăng đột biến ở châu Âu trong năm nay
EU muốn dẫn đầu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, làm gương cho các quốc gia phát thải lớn khác như Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mục tiêu tổng quát của nó trong chiến lược Green Deal (Thảo thuận Xanh) là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Gói xanh được công bố vào tháng 7 nhằm điều chỉnh nền kinh tế với mục tiêu ràng buộc chặt chẽ hơn vào năm 2030 là giảm ít nhất 55% lượng khí thải so với mức của năm 1990. Các luật cần được Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên trong Hội đồng EU thông qua, với mỗi cơ quan có quyền sửa đổi kế hoạch, trong một quá trình có thể mất khoảng hai năm.
Nhưng đối với các quốc gia có thu nhập thấp hơn của châu Âu - cũng như đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của châu lục này - nỗi đau từ bất kỳ quá trình chuyển đổi nào cũng sẽ rất đáng kể và EU sẽ phải chịu áp lực hỗ trợ đỡ đòn từ đợt tăng giá hiện tại.
Khi các cuộc đàm phán chính trị đang diễn ra, các chính phủ từ Madrid đến Amsterdam đang thực hiện các bước để giảm bớt tác động tức thời của cuộc khủng hoảng năng lượng và ngăn chặn phản ứng dữ dội đối với các chính sách cắt giảm carbon. Các biện pháp để giảm lượng khí thải “có thể sẽ không chịu được một thời gian giá điện cao liên tục”, Tây Ban Nha nói với EU trong một bức thư vào ngày 20 tháng 9, nhắc lại các cuộc biểu tình áo vàng gây rúng động nước Pháp hai năm trước.
Cuộc khủng hoảng khí đốt đã chiếm cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng trong tuần này, được sắp xếp để thảo luận về các dự thảo luật nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và thúc đẩy tiết kiệm năng lượng. Mặc dù EU có quyền hạn hạn chế trong lĩnh vực chính sách năng lượng, quyền hạn phần lớn vẫn nằm trong tay các quốc gia thành viên, Ủy ban châu Âu cam kết sẽ công bố các hướng dẫn trong những tuần tới về những công cụ ngắn hạn phù hợp với luật của khối mà các quốc gia có thể sử dụng. Các lựa chọn bao gồm giảm thuế giá trị gia tăng và cắt giảm năng lượng.
Tại Hy Lạp, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis trước đó đã cam kết trợ cấp điện trong quý IV cho tất cả các hộ gia đình nhằm bù đắp phần lớn mức tăng giá dự kiến trong hóa đơn điện. Ông cũng tuyên bố giảm thuế bán hàng cho đến tháng 6 năm 2022 đối với cà phê, phương tiện giao thông, đồ uống không cồn, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục, trường dạy khiêu vũ và các gói du lịch.
Hà Lan đã sửa đổi ngân sách của đất nước để bao gồm 500 triệu euro (586 triệu đô la) để giảm chi phí năng lượng cho các công ty và hộ gia đình. Tây Ban Nha sẽ đánh thuế bạo lợi (windfall tax) đối với các tiện ích điện và giới hạn hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng, một động thái mà các nhà phê bình cho rằng có thể hạn chế đầu tư vào năng lượng tái tạo.
“Điều đó không bền vững,” Ignacio Galan, giám đốc điều hành của công ty điện lực Tây Ban Nha Iberdrola SA, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV. "Điều đó tạo ra rủi ro cho toàn bộ quá trình chuyển đổi năng lượng."
Giá phát thải các-bon đang tăng là chìa khóa trong các kế hoạch cắt giảm phát thải của EU
Nhưng các chính phủ châu Âu bị hạn chế về những gì họ có thể làm để giải quyết cuộc khủng hoảng điện - mà không khiến cho các mục tiêu khí hậu càng trở nên khó đạt được hơn nữa.
John Musk, một nhà phân tích tại RBC Europe Ltd., cho biết: “Không có khả năng các chính trị gia sẽ theo đảo chiều và quay trở lại sản xuất than hoặc thay đổi cách tiếp cận với các-bon”. Khó có thể thấy những biện pháp nào có thể được áp dụng để giảm bớt hạn chế về cung-cầu trong ngắn hạn đối với khí đốt và điện. Có thể sẽ có vài năm khó khăn trong việc điều hướng iá tiêu dùng và có thể phải có một số biện pháp để giúp đỡ người tiêu dùng ở một số nơi."
Những người sử dụng năng lượng công nghiệp lớn nhất đặc biệt phải chịu tác động tức thời của việc tăng giá đột biến. Nhà sản xuất kẽm Nyrstar NV hôm thứ Năm cho biết họ đang cắt giảm sản lượng tại một nhà máy lớn của Hà Lan vào thời gian cao điểm trong ngày. Đối với các nhà sản xuất nhôm trong khu vực, chi phí điện có thể tương đương khoảng 80% giá chung của hàng hóa, hiệp hội ngành kim loại Eurometaux cho biết trong một bức thư gửi tới Giám đốc năng lượng EU Kadri Simson, kêu gọi hỗ trợ thêm cho lĩnh vực này.
“Giá điện tăng cao đã dẫn đến việc cắt giảm và có thể dẫn đến việc ngành chúng tôi phải di dời ra ngoài châu Âu nếu không được giải quyết,” tin hành lang cho biết. “Nói rộng hơn, chúng tôi cũng lo ngại rằng nếu điện vẫn quá đắt, nó sẽ làm mất tác dụng giảm thải các-bon của phương hướng điện khí hóa công nghiệp, phá hỏng các mục tiêu Green Deal của EU”.
Copyright @2023 VINKAI. All Rights Reserved by Mr.Thắng
Ý kiến bạn đọc