Cách Trung Quốc sánh ngang Elon Musk trong việc khuấy đảo thị trường tiền ảo

Các nhà quản lý Trung Quốc từ lâu đã tìm cách giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự trỗi dậy của Bitcoin và các đồng tiền ảo cùng trang lứa. Đặc tính tiền điện tử đi ngược lại với sự kiểm soát tài chính tập trung mạnh mẽ của Trung Quốc và Trung Quốc là nơi tập trung đông đảo các thợ đào tiền điện tử trên thế giới, những người có nhu cầu khổng lồ về năng lượng điện, làm nỗ lực hạn chế phát thải khí nhà kính thêm phần phức tạp. Lệnh cấm mới nhất và rõ ràng nhất của chính phủ Trung Quốc đối với tất cả các giao dịch tiền điện tử, cũng như cam kết ngừng khai thác bất hợp pháp, là đỉnh điểm của nỗ lực đàn áp trong nhiều năm.

1. Quy tắc hiện tại là gì?

Ngân hàng trung ương của Trung Quốc đã chỉ định các giao dịch liên quan đến tiền điện tử là hoạt động tài chính bất hợp pháp, bao gồm các dịch vụ được cung cấp bởi các sàn giao dịch nước ngoài. Ngân hàng bổ sung rằng tiền điện tử, bao gồm Bitcoin và Tether, không phải là tiền pháp định và không thể lưu hành. Ngoài ra, cơ quan lập kế hoạch kinh tế của đất nước này cho biết cần phải loại bỏ tận gốc hoạt động khai thác tiền điện tử để đáp ứng các mục tiêu giảm thải các-bon, đưa hoạt động này trở lại danh sách các ngành công nghiệp bẩn mà họ muốn loại bỏ.

2. Điều gì đã dẫn đến sự kiện này?

Trung Quốc nhắm vào hoạt động đào Bitcoin, tức quy trình tính toán sử dụng cực nhiều năng lượng liên quan đến việc tạo tiền kỹ thuật số và xác minh các giao dịch. Nó đã cấm các tổ chức tài chính và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tham gia vào các giao dịch tiền điện tử, cho dù chỉ là có liên quan – ví dụ như mở tài khoản ngân hàng cho những người tham gia vào giao dịch tiền ảo. Vào năm 2017, Trung Quốc đã yêu cầu các sàn giao dịch ngừng giao dịch tiền điện tử và cấm ICO (Initial Coin Offerings) – các đợt chào bán công khai ban đầu cho các loại tiền ảo mới. Vào tháng 5, Hội đồng Nhà nước - nội các của Trung Quốc - đã kêu gọi một cuộc đàn áp mới đối với các hoạt động khai thác và kinh doanh Bitcoin. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã triệu tập các quan chức từ các ngân hàng quốc doanh lớn và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Alipay tới một cuộc họp vào tháng 6 để nhắc lại lệnh cấm đối với các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử.

3. Trung Quốc có phản đối tất cả các loại tiền kỹ thuật số không?

Không. Mặc dù vẫn chưa có ngày ra mắt, nhưng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên phát hành phiên bản kỹ thuật số của đồng tiền của chính nước này, đồng nhân dân tệ, để tìm cách bắt kịp – và kiểm soát – nền kinh tế đang số hóa nhanh chóng. Không giống như các loại tiền điện tử như Bitcoin, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ không có bất kỳ giả định nào về tính ẩn danh và giá trị của nó sẽ ổn định như đồng nhân dân tệ vật lý.

4. Điều gì lý giải mối lo ngại của Trung Quốc?

Xóa sạch rủi ro khỏi thị trường tài chính đã là câu thần chú của chính phủ Trung Quốc trong nhiều năm, thể hiện rõ qua cuộc đàn áp các gã khổng lồ công nghệ tài chính, bao gồm tập đoàn Ant Group Co. của Jack Ma. Tiền điện tử có thể cung cấp phương pháp để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc, từ đó có thể làm tăng dòng tiền chảy ra nước ngoài, điều mà các quan chức vô cùng quyết tâm tìm cách chặn lại. Đối với đào tiền ảo, các chính quyền địa phương đã trở nên cảnh giác với mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ của ngành này – nhiều hơn mức tiêu thụ hàng năm của cả đất nước Hà Lan – vào thời điểm mà chính phủ của ông Tập cam kết đạt được mức Trung hòa Các-bon (Carbon neutrality) vào năm 2060. Sự kích động tại buổi họp Hội đồng Nhà nước vào tháng 5 được cho một phần là do lo ngại rằng hoạt động khai thác tiền điện tử đã gây ra sự gia tăng trong việc khai thác than bất hợp pháp, sau khi các vụ tai nạn chết người tăng vọt trong năm nay.

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục dịch vụ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây